Vùng đất Phủ Quỳ nói chung và Nghĩa
Đàn nói riêng đã có hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển.
Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính nhưng Nghĩa Đàn vẫn hội tụ
đầy đủ các điều kiện phát triển hướng tới trung tâm kinh tế vùng Tây Bắc Nghệ
An. Nghĩa Đàn xưa đã là một trong những "cái nôi" của người Việt cổ,
với di chỉ khảo cổ Làng Vạc, những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn
hoá Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Nghĩa Đàn là mảnh đất lành, nơi
gặp gỡ, hội tụ của những nét văn hoá đặc sắc của nhiều miền đất nước. Với ba
dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, từ nhiều đời nay đã đoàn kết, cộng đồng, hoà
hợp bên nhau, làm nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và một cuộc sống
đầy sôi động trong quá trình phát triển.
Từ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), tổ chức
hành chính Nghệ An được sắp xếp lại và lập thêm một số huyện. Phủ Quỳ Châu vốn
trước có 2 huyện là Trung Sơn (Quế Phong) và Thuý Vân (tương đương phần lớn đất
Quỳ Châu và Quỳ Hợp hiện nay) được chia ra và lập thêm một huyện mới: huyện
Nghĩa Đường. Đến năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi đã cho đổi tên huyện Nghĩa
Đường thành Nghĩa Đàn (vì kỵ huý). Tên gọi Nghĩa Đàn có từ đó đến nay. Trong
quá trình lịch sử, Nghĩa Đàn đã có 2 lần thay đổi về địa giới hành chính. Ngày
19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52 -CP, cắt 10 xã của huyện
Nghĩa Đàn để thành lập huyện Tân Kỳ và 3 xã cho huyện Quỳ Hợp. Ngày 15/11/2007,
Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính
huyện Nghĩa Đàn để thành lập thị xã Thái Hoà. Đến nay, Nghĩa Đàn có 24 xã và 01
thị trấn với 311 khối, xóm. Diện tích 61.801,19 ha, dân số hơn 13 vạn người,
bao gồm 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng chung sống trong sự cố kết cộng đồng,
trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%, đồng bào công giáo gần 10%.
Với vị trí quan trọng của vùng Tây Bắc
Nghệ An, Nghĩa Đàn luôn là địa bàn chiến lược, là hậu phương vững chắc cho các
cuộc kháng chiến của dân tộc. Tháng 10 năm 1930, Chi bộ đảng đầu tiên của Nghĩa
Đàn và cũng là của vùng miền núi Nghệ An được thành lập. Tháng 4/1931, Đảng bộ
huyện Nghĩa Đàn ra đời. Ngày 22/8/1945, tại Cây Đa làng Trù (nay thuộc xã Nghĩa
Khánh) hàng ngàn nông dân, công nhân đã tập trung giương cao cờ đỏ sao vàng,
kéo về huyện lỵ bắt giữ tri huyện, tịch thu ấn tín và ra mắt Ủy ban nhân dân lâm
thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh. Đến nay, Đảng bộ đã trải qua 28 kỳ Đại hội,
có 55 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với hơn 6.400 đảng viên. Đảng bộ đã lãnh
đạo các tầng lớp nhân dân, các dân tộc Nghĩa Đàn lập nên nhiều chiến công và
xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Cây Đa làng Trù
(xã Nghĩa Khánh) và Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) đã được UBND tỉnh công nhận Di
tích lịch sử - văn hóa. Đây chính là địa chỉ đỏ để giáo dục về truyền thống
lịch sử cách mạng trên đất Nghĩa Đàn.
Cây đa Làng Trù
Nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, cửa ngõ
Tây Bắc tỉnh Nghệ An, Nghĩa Đàn có vị trí địa lý thuận lợi và quan trọng trong
quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phía Bắc giáp huyện Như Xuân và
Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá); phía Nam giáp huyện Tân Kỳ; phía Đông giáp huyện
Quỳnh Lưu; phía Tây giáp huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và bao quanh gần như toàn bộ
thị xã Thái Hoà.
Hệ thống giao thông khá dày đặc và rất
thuận lợi cho sự phát triển của huyện cũng như của vùng. Đường Hồ Chí Minh
chạy dọc từ phía Bắc đến phía Nam của huyện dài hơn 30km; Quốc lộ 48
chạy ngang theo hướng Đông - Tây, nối liền với các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu,
Quế Phong; Đường Đông Hồi - Nghĩa Đàn - Thái Hòa mới hình thành và đưa vào sử
dụng sẽ thuận lợi cho việc kết nối giữa các huyện miền núi với Quốc lộ 1A và đi
xuống cảng nước sâu Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn; Các tuyến đường 15A, 545, 531 tạo
thành mạng lưới giao thông đồng bộ thông suốt, thuận lợi để Nghĩa Đàn
mở rộng giao lưu, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế
biến cũng như tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài yếu tố thuận lợi về giao thông,
Nghĩa Đàn còn là huyện có nguồn nhân lực với trình độ khá cao, được thừa hưởng
những kinh nghiệm sản xuất từ nhân dân các huyện miền xuôi lên và từ các nông
trường quốc doanh. Đặc biệt, nơi đây có diện tích đất đỏ Bazan lớn trên 9.000
ha, loại đất rất tốt, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là
các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Nghĩa Đàn cũng là huyện có hệ thống sông
ngòi dày đặc và có trên 130 hồ đập lớn nhỏ như: Sông Hiếu, Sông Sào, Khe Cái,
Khe Ang, Khe Đá. Trong đó, hồ Sông Sào có dung tích chứa trên 45 triệu m3 nước,
hồ Khe Đá có diện tích mặt nước 500 ha, các sông suối lớn nhỏ có nước quanh năm
và địa hình thích hợp tạo cho Nghĩa Đàn nhiều thuận lợi trong công tác đầu tư
xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu, cung cấp nguồn thủy sản và
tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.
Hồ Sông Sào
Văn hóa Nghĩa Đàn từ lâu đã là sự
tích hợp của nhiều “dòng văn hóa”, trong đó có sự giao thoa của dòng
văn hóa bản địa của người Thổ, người Thái với dòng văn hóa người
Kinh di dân đến đây từ cuộc khai thác thuộc địa, xây dựng đồn điền
của thực dân Pháp và phong trào di dân làm kinh tế mới. Nơi đây, đồng
bào dân tộc Thổ vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng
về trang phục, lễ xuống đồng, lễ cơm mới, văn hóa cồng chiêng, các làn điệu dân
ca như đu đu điềng điềng, tập tính tập tang...Cùng với người Thổ, người Thái có
Lễ hội mang tính cố kết cộng đồng cao như: “Chá” hay “xặng booc” (xăng khan);
tục buộc chỉ cổ tay, tục uống rượu cần, làm nhà mới, cưới hỏi, và những điệu
múa sạp, múa xòe, đánh cồng, ném còn,... tạo nên một sắc màu văn hóa đa dạng,
phong phú.
Đến với Nghĩa Đàn hôm nay, sẽ thấy và
cảm nhận được những đổi thay mạnh mẽ: Khu trung tâm hành chính huyện hiện
đại và khang trang; nhân dân chung sức đồng lòng dựng xây nông thôn mới, các
cơ sở hạ tầng được xây dựng cơ bản, các tuyến giao thông, hệ thống dịch
vụ tài chính, thông tin liên lạc đã và đang tạo đà cho sự phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương. Việc thu hút đầu tư vào địa bàn có bước đột
phá lớn. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp
hiện đại nhất Việt Nam đã ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế; dự án
nhà máy gỗ MDF được lắp đặt và đã cho ra sản phẩm gỗ ván thanh xuất khẩu;
sản xuất gạch Tuynel, chế biến bột đá, hạt nhựa… đã tạo nên một diện mạo
mới về phương thức sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Hay các dự án
nuôi trồng thủy sản, rau củ quả công nghệ cao, dự án trồng rừng và
những cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn ngày càng có sức hút nhiều hơn du
khách về với Nghĩa Đàn, tạo cơ sở để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của
huyện.
Dây chuyền chế biến sữa của công ty thực
phẩm sữa TH
Cùng với sự phát triển về kinh tế, lĩnh
vực văn hóa, giáo dục, y tế Nghĩa Đàn đã có những bước chuyển biến tích
cực. Tỷ lệ gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, trường chuẩn quốc gia,
xã chuẩn quốc gia về y tế không ngừng được tăng lên. An sinh xã hội được
đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 7,87% (11,05% theo tiêu
chí mới). Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, quan tâm
phát triển cả về lượng và chất. Ghi nhận cho những nỗ lực và cố gắng của
Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Nghĩa Đàn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân
chương Lao động hạng Nhất (năm 2013). Năm 2015, Đảng bộ vinh dự nhận Cờ của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy tặng Đảng bộ đạt danh hiệu "Vững mạnh" 5 năm liên
tục (2011 - 2015).
Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn đón nhận
Huân chương lao động hạng nhất và cờ thi đua của Chính phủ
Nghĩa Đàn một vùng quê giàu truyền thống
cách mạng, người dân đoàn kết, cần cù chịu khó, sáng tạo trong lao động, được
Nghị quyết 26 - NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng,
nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 xác định Nghĩa Đàn là
trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó chính là những nhân tố, động
lực quan trọng để Nghĩa Đàn phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế của
vùng Tây Bắc Nghệ An và là địa chỉ đầu tư, điểm dừng chân lý tưởng của du
khách bốn phương, bạn bè trong nước và quốc tế trên con đường xuyên
Việt- Đường Hồ Chí Minh./.
Một góc khu trung tâm hành chính huyện
Nghĩa Đàn
NGUỒN: BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY NGHĨA ĐÀN